Xoá sự chia rẽ giữa người với ta

Xoá sự chia rẽ giữa người với ta

Bài viết bạn đang đọc thuộc series An Tư – nơi mình chia sẻ về cách suy nghĩ thông suốt và an lạc, dựa trên góc nhìn của tôn giáo, triết học cổ điển, nhằm ứng dụng vào việc giải quyết những vấn đề tâm lý thực tiễn và thời sự trong môi trường công sở và các mối quan hệ công việc.

Bạn có thể đọc thêm các bài khác trong series:

Nếu bạn thấy bài viết này chạm tới điều gì đó trong bạn, và muốn chia sẻ thêm câu chuyện của mình, mình luôn sẵn lòng lắng nghe.

Bạn có thể:

  • Để lại một bình luận ngay bên dưới bài viết này
  • Nhắn tin riêng cho mình qua Linkedin

Ghét.

David là một người bạn của mình. Qua 1 lần chia sẻ, David cho biết rằng David rất ghét sếp của anh.

Chữ "ghét" là một từ nặng, nên bạn không dám để dùng chữ ghét để mô tả. Nhưng với câu chuyện mà bạn kể mình, thật khó để kiếm một từ khác để diễn tả cảm xúc của bạn dành cho sếp.

Những lúc gặp David, mình chưa bao giờ thấy anh ấy thật sự vui hay hạnh phúc. Dù không nói nhiều, nhưng qua ánh mắt David, người ta có thể thấy những câu chuyện chưa kể, cùng với một sự ngập ngừng: liệu nếu kể ra, có giải quyết được gì không?

Nhiều lúc, mình nghĩ David đã bất lực, không chỉ qua cách bạn luôn khép kín với mọi người, và lúc nào bạn cũng đang muốn chạy đi, giải thoát bạn ra tình huống, ... và người sếp của bạn hiện tại.

"Ghét" là một từ mạnh. Nó thể hiện sự cay nghiệt tận cùng. Nếu bạn biết Romeo yêu Juliet nồng nhiệt đến thế nào, sẵn sàng hy sinh vì cô ra sao, thì "ghét" chính là đối lập của từ đó.

Khi mình ghét một người, mình không muốn người này tồn tại, mình muốn đẩy người này ra khỏi cuộc sống mình bằng mọi giá. Họ thở thôi là mình đã thấy khó chịu rồi.

Sao người này lại có trên đời nhỉ?

Đối với David, anh đã có sẵn một hình mẫu là một người sếp lý tưởng, một người sếp giỏi, rộng lượng, chiến lược, và không tiểu tiết. Bởi chỉ có vậy, David mới cảm thấy mình có đủ không gian, điều kiện, và động lực để phát triển ở công ty.

Sếp của David, trong thực tế, khác xa cái tưởng tượng mà anh có trong đầu. Sếp giỏi cũng vừa, nhưng hẹp hòi, tiểu tiết, và có quá nhiều quyền lực. Sếp lại cái gai, sếp là một sự kiềm hãm cho sự growth của anh. Một cái gai, và cái gai này có quá nhiều quyền lực, và rồi cái gai này sẽ sinh sôi thêm nhiều cái gai khác nữa, và huỷ hoại cả một công ty.

Nói tới đây, David dừng lại, hỏi rằng mình có đang thấy câu chuyện của bạn bị tiêu cực không, rằng bạn có thật sự suy nghĩ bình thường hay không.

Mình thấy nó bình thường, vì một cách nào đó, mình thấy mình đồng cảm với câu chuyện của David tới lạ lùng.

Đúng, mình rất ghét sếp của mình, mình đã từng như vậy. Không phải chỉ một người sếp, mà phần lớn những người sếp mình đã từng làm việc cùng. Mình rất giỏi trong việc tìm một ngàn lý do để tự thuyết phục mình tại sao một người không phải là một người sếp tốt.

Người cáu kỉnh, người nhu nhược, người tiểu tiết, người lười biếng, người thiếu kiến thức, người thiếu quyết đoán, etc.. Mình luôn có một tính từ xấu để mô tả những người sếp của mình.

Khi chúng ta gặp một người như vậy, chúng ta muốn hạn chế việc gặp người đó, chúng ta muốn người đó không tồn tại, chúng ta muốn chạy thật nhanh ra khỏi người đó. Vì việc nhìn thấy một người đi ngược lại tiêu chuẩn của ta, đó là một sự huỷ diệt niềm tin kinh khủng khiếp trong ta.

David không muốn lên công ty, David ngại tiếp xúc với mọi người, David muốn chạy ra khỏi tình huống hiện tại, muốn thoát khỏi người sếp của anh.

David bắt đầu âm thầm nộp đơn xin việc ở công ty khác.David nghĩ, khi qua công ty mới, David sẽ trở thành một người mới. Ở công ty mới, David sẽ trở thành một một phiên bản khác, vì chắc chắn mọi người sẽ nghĩ David theo một cách tốt đẹp hơn. Vì sao, thì là vì David là người mới mà.

David sẽ chẳng bao giờ thay đổi, đó là một điều chắc chắn, và cũng chả có ai sẽ thấy là David thay đổi. Tại sao mình biết? Vì mình đã đổi công việc rất nhiều lần rồi, và cách mình suy nghĩ của về sếp và cách hành xử của mình vẫn như vậy. 10 năm sau, mình có đổi việc 10 lần, thì mình sẽ gặp vấn đề với sếp tương tự. Mình sẽ không bao giờ tìm được hạnh phúc, và an lạc trong hành trình của mình.

David sẽ chẳng bao giờ thay đổi.

Một việc đã xảy ra thì nó sẽ xảy ra một lần nữa, nó là một vòng luẩn quẩn.

Suy nghĩ là một dạng thói quen, nếu bạn để cho bạn suy nghĩ như vậy, thì bạn sẽ mãi suy nghĩ như vậy. Nếu bạn nghĩ một người sếp xấu xa ngay hôm nay, ngày mai bạn cũng sẽ nghĩ vậy.

Suy nghĩ sẽ bắt đầu ăn vào ý chí, và rồi dẫn tới hành động của bạn, và chính bạn dẫn bạn đến đống đổ nát, những ngày khó khăn, những sự bực tức đó một lần nữa. Bạn sẽ khổ.

Thay đổi từ ngày hôm nay

Khi tôi hỏi David, liệu sếp của David có biết điều này không, rằng anh có chia sẻ cho sếp biết chưa, rằng David rất ghét anh.

David bảo không.

"Liệu có một tín hiệu gì để sếp biết hay không", tôi hỏi thêm, David cũng bảo không.

David chưa bao giờ hành động, anh chỉ suy nghĩ, khó chịu, và lựa chọn bỏ chạy khỏi thực tại như vậy. Thế thì, làm sao sếp của David có thể biết mà sửa đây?

Nếu David thực sự muốn giải quyết vấn đề này, điều khôn ngoan nhất là David giải quyết nó ngay từ ngày hôm nay. Nghĩ đúng, nói đúng, và có hành động đúng với người sếp của anh.

Sau đó, anh muốn nghỉ công ty cũng được.

Tôi biết, mình với cả David cuối cùng sẽ nghỉ công ty, nhưng tôi không muốn để chúng tôi nghỉ vì lý do là sếp của chúng tôi một lần nào nữa. Vì mình biết chúng mình sẽ gặp lại vấn đề này nữa.

Thay đổi suy nghĩ và niềm tin là việc đầu tiên

Khi David đến chia sẻ với mình, mình biết David muốn mình cho một lời khuyên, một giải pháp thật nhanh để giải quyết tình huống hiện tại của anh. Hoặc đơn giản, anh chỉ muốn kể cho mình để nhẹ lòng.

Một giải pháp nhanh, cho một vấn đề khó, sẽ chẳng bao giờ tồn tại đâu.

Một số người bạn của mình cũng tới gặp mình sau khi gặp vấn đề với đồng nghiệp. Đại loại hư đồng nghiệp tranh cãi nhau, ganh ghét nhau, ganh đua nhau, có hiềm khích với nhau v.v...

Phần lớn mọi người hỏi mình có sách nào về tâm lí không, để mà bạn ấy có thể hiểu được tâm lí của người khác, để mà bạn có thể "bắt thóp" ... và chọn được nước cờ phù hợp để đi.

Lúc đó mình có thể giới thiệu bạn một số cuốn sách giống như cuốn "Đắc Nhân Tâm", "Nghệ Thuật Giao Tiếp" hay "Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình". Nhưng mình biết nó sẽ chả bao giờ work.

Ví dụ, nếu mình giới thiệu bạn "Đắc Nhân Tâm", làm sao bạn có thể "khơi ngợi lòng cao thượng" của người khác, khi chính bạn đang nghĩ xấu về người đó.

Trừ khi, mình bundle cuốn sách đó với một khoá học diễn xuất, rồi giới thiệu với bạn. Và kể cả khi bạn là một diễn viên Hollywood, bạn nghĩ bạn sẽ diễn được sếp bạn, bạn bè, người thân của bạn được tới bao giờ?

Không ai ngu đến mức tự huyễn hoặc bản thân tới mức đó. Nếu bạn hay một người khác làm một điều gì đó không tự nhiên, không trung thực, không đúng đắn, làm những điều bạn không tin vào, thì sẽ chẳng có gì trụ lại được lâu.

Bạn nghĩ thay đổi hành động của bạn dễ vậy sao?

Triết gia Epictetus có chia sẻ, trong bài giáo huấn thứ II, con người có thể chịu đựng bất cứ thứ gì trừ những thứ vô lý, không thể tin được. Những gì có lý đều có thể chịu đựng được.

Con người sẽ nghĩ, làm và chịu đựng được những thứ anh ta cho là có lý, kể cả cho việc có làm anh ta đau đớn tới mức nào.

Sự đau đớn về thể xác vốn là những cái hoàn toàn có thể chịu đựng được: Những chiến binh la mã thoải mái chấp nhận việc bị đánh đập, vì họ được dạy rằng những điều đó là sự trừng phạt đúng đắn. Còn bị treo cổ thì sao, có chịu đựng được không? Vô số người đã tự treo họ, khi mà họ quyết định được đó là điều đúng đắn.

Thảm hoạ hạt nhân ở Chernobyl. Valery Legasov – nhà khoa học Liên Xô trong thảm họa hạt nhân Chernobyl. Là người trực tiếp chỉ huy xử lý sự cố, Legasov đối diện với sự thật tàn khốc: không chỉ là lỗi kỹ thuật của lò phản ứng, mà là cả một hệ thống dối trá, kiểm duyệt và vô trách nhiệm từ thượng tầng chính trị.

Legasov biết mình không thể thay đổi cả bộ máy. Ông biết sự thật nếu nói ra sẽ khiến ông bị cô lập, phản đối, thậm chí bị huỷ hoại danh tiếng. Nhưng ông vẫn chọn nói ra. Ông ghi lại băng cassette sự thật về Chernobyl, dù biết nó sẽ khiến ông trả giá.

Tại sao Legasov vẫn làm điều đó? Vì ông tin rằng đó là điều đúng. Vì ông biết, sự im lặng là một sự phản bội – với khoa học, với lương tâm, và với những người đã chết. Sự lựa chọn hành động đó không phải vì nó dễ, mà vì nó có lý. Và vì nó có lý, ông đã chấp nhận cái giá đau đớn nhất: chính sinh mạng của mình.

Mình kể những câu chuyện này, để bạn hiểu rằng suy nghĩ của bạn quan trọng tới mức nào.

Suy nghĩ của bạn quyết định hành động, và từ đó, quyết định cả cuộc đời.

Mình đã có chia sẻ vấn đề này ở bài viết Não của bạn đang ‘ăn’ gì mỗi ngày?

Nếu bạn cần thay đổi hành động, thì hãy khoan, thay đổi suy nghĩ là cái bạn cần đổi đầu tiên. Sau đó, những hành động "hữu cơ", chân thành, và bền vững, sẽ tự đến.

Nhiều bạn khi có conflict với đồng nghiệp, đến với mình để hỏi mình về cách deal với người đó, bạn sẽ muốn tìm một cuốn sách hay một cái trick nhanh có thể tác động, thay đổi, và.. thâu tóm người đó.

Nhưng làm sao bạn hiểu và thay đổi người khác, khi bạn còn chả hiểu bạn?

Có lẽ, món quà quý giá nhất của mình có thể cho bạn trong bài viết này, không phải là một cái hành động, cũng không phải là một giải pháp nào cả.

Món quà quý nhất của mình có thể dành tặng cho mọi người qua bài blog này - là một góc nhìn.

Người với ta là một

Kể từ khi gia nhập công ty, mình luôn nghĩ, mình với sếp của mình luôn là một đối trọng, là hai thực thể tách biệt, đối lập nhau.

Mình là người tốt, sếp là người xấu.

Nhưng.. nó có đúng (hoàn toàn) đâu ?

  • Mình nghĩ sếp mình lười. Sự thật thì những ngày mình cũng lười y chang sếp.
  • Mình nghĩ sếp mình tiểu tiết. Sự thật thì mình cũng tiểu tiết vậy.
  • Mình nghĩ sếp mình không giỏi. Rõ ràng là có những thứ sếp mình hơn hẳn mình, suy nghĩ chững chạc, cầu toàn hơn mình.
  • Mình nghĩ sếp mình cọc cằn. Sự thật mình cũng cọc cằn mà, chả là mình không nói ra, cứ giữ khư khư trong người.
  • ...

Khi mình nhìn trong góc nhìn đó, mình bắt đầu nhìn thấy sếp mình bên trong mình, và mình bên trong sếp.

Điều này không chỉ dừng lại ở việc tính cách, mà còn tới những thứ định nghĩa thành công của cả 2 người. Mình cần sếp mình cũng như sếp mình cần mình.

Thành công của sếp mình phụ thuộc vào mình và thành công của mình sẽ phụ thuộc vào sếp, nên việc mình hỗ trợ sếp chính là hỗ trợ chính bản thân mình.

Thành công của sếp đến từ việc:

  • sếp có quản lí được team tốt không,
  • team có năng suất không,
  • khí thế anh em có mạnh không,

-> vốn là điều phụ thuộc vào mình.

Và ngược lại, thành công của mình đến từ việc:

  • mình có trao cơ hội tạo impact ở công ty hay không
  • mình có grow được về mặt leadership ở công ty hay không

-> vốn là điều phụ thuộc vào sếp của mình.

Mình đã bắt đầu thấy, mình và sếp là một. We are the one! Mình cần phải giúp sếp mình, như là mình giúp chính mình.

Ở dưới góc nhìn này, bạn sẽ thấy việc giúp sếp không còn là một nghĩa vụ mà bạn "phải" làm, một lời khuyên mà bạn phải nghe, một giáo điều mà bạn phải tự huyễn hoặc mình phải làm theo, đó chính là con đường.

Đó là con đường duy nhất, và cũng là cuối cùng.

Đây là con đường mà đã kéo mình ra được khỏi vòng luẩn quẩn, mà mình tự tạo ra cho mình.

Sự thành thật, và "chúng ta là một"

Năm đầu tiên của mình ở công ty mới thật tệ. Mình và sếp như hai cực nam châm cùng dấu – chẳng ai thật sự muốn gần ai.

Mình không nói ra, sếp cũng không nói ra. Nhưng mình biết sếp cảm nhận được điều đó, như cách mình cảm nhận được sự phòng vệ, căng thẳng trong từng lần tương tác. Mình nghĩ sếp khó chịu với mình. Và thực lòng, mình cũng thấy khó chịu với sếp.

Nhưng thay vì thẳng thắn chia sẻ, mình giữ nó trong lòng. Và rồi đến một ngày, nó bùng nổ.

Hôm đó, mình và sếp cãi nhau rất căng qua Slack. Mình đã nói ra những lời khó nghe, thậm chí hơi hỗn.

Đó không phải là một cuộc tranh luận mang tính xây dựng – mà là một sự bùng nổ cảm xúc. Và sếp mình, lúc đó, đã nói một câu mà mình vẫn nhớ mãi:

“Nếu em muốn đổi manager mới thì cứ việc, em có thể báo lại với sếp trên.”

Câu nói đó như một nhát cắt. Cắt đứt mọi nỗ lực giữ khoảng cách lịch sự bề mặt từ trước đến nay. Mình biết mình đã đi quá giới hạn. Mình không còn là “nhân viên biết điều” trong mắt sếp nữa – và thật ra, mình cũng không còn thấy mình đúng nữa.

Trong buổi 1-on-1 sau đó, mình đã xin lỗi sếp. Thật lòng. Mình chỉ nói: “Em xin lỗi vì hôm qua anh láo với anh”.

Và lạ thay, buổi nói chuyện hôm đó không căng thẳng như mình tưởng. Trái lại, nó nhẹ nhõm. Chúng mình lần đầu tiên… thật sự hiểu nhau.

Trước khi cãi nhau, sếp mình là một trong những người khó tính nhất mà mình từng làm việc cùng – khắt khe, nguyên tắc, và gần như không hề cởi mở với bất kỳ góc nhìn nào khác.

Còn mình thì ngược lại hoàn toàn – dễ dãi, mềm mỏng, ngại va chạm, đến mức sự “dễ chịu” đó ảnh hưởng đến công việc và tiến độ của cả team.

Chúng mình như hai cực hoàn toàn đối lập – một người quá cứng, một người quá mềm – và cái khoảng cách ấy cứ lớn dần mà không ai chịu nói ra. Cho đến khi nó bùng nổ trong một cuộc cãi nhau rất căng qua Slack.

Nhưng chính từ cuộc va chạm tưởng chừng không cứu vãn được ấy, điều kỳ lạ đã xảy ra: sếp bắt đầu cởi mở hơn, biết lắng nghe hơn. Và mình bắt đầu dũng cảm hơn, thẳng thắn hơn, không còn lùi bước trước những điều mình thấy chưa đúng.

Một cách nào đó, như thể mình đã trở thành sếp – và sếp đã trở thành mình.

Chúng ta không khác biệt nhau đến thế. Chúng ta không phải hai thực thể đối lập. Ta là họ, và họ cũng là ta.

We are the one.

Dây là bài học về Interbeing - "mọi thứ có trong nhau, tồn tại cùng nhau", một bài học mình học được từ thầy Thích Nhất Hạnh từ những bài giảng trong sách The Heart's of Buddha Teaching và những bài giảng video trên youtube của Làng Mai (Plum Village).

Mình hi vọng bài học này sẽ chạm được tới bạn.

Hãy thành thật

Còn nếu bạn đang cảm thấy vô cùng khó chịu với một ai đó, và nghĩ rằng không thể làm gì được nữa – món quà giá trị nhất bạn có thể tặng họ là sự thành thật.

Làm ơn, hãy nói ra. Thành thật. Đừng giữ trong lòng nữa.


Dành tặng độc giả

Mấy tháng gần đây mình có thời gian để tìm hiểu và thực hành những giáo lý của đạo Bụt, phần lớn đến từ những bài giảng video và sách của Sư Thầy Thích Nhất Hạnh.

Khi mình đọc những dòng chữ đầu tiên từ sách của Thầy, mình đã biết đó là những thứ đẹp đẽ nhất mình từng đọc trên đời.

Chữ "đẹp" không phải là một chữ thường được dùng để mô tả bất kì thứ gì ngoài đồ vật, và con người. Nhưng khi đọc sách, và những bài giảng của thầy, mình biết đó là những thông điệp thật đẹp.

It was something beautifully taught, and written.

Bạn không cần một giải pháp nhanh. Bạn chỉ cần một góc nhìn mới.

Và nếu bài viết này trao được cho bạn điều đó – mình biết là nó đã đến được đúng nơi.

Gửi tặng bạn – và cả “David” trong bạn – một lời mời nhỏ: Khi có thể, hãy thử đọc một vài trang sách của Thầy. Hoặc chỉ cần ngồi yên năm phút, và thở thật sâu.

Bởi đôi khi, một hơi thở chánh niệm có thể thay đổi cả một cuộc đời.

Read more